Quang cảnh Hội nghị Công bố Quy hoạch Kết cấu hạ tầng Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
Phát huy tiềm năng, lợi thế
Ngày 10/11, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chủ trì Hội nghị Công bố Quy hoạch Kết cấu hạ tầng Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1829/QĐ-TTg ngày 31/10/2021.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đây là Quy hoạch thứ 4 trong số 5 Quy hoạch chuyên ngành GTVT và là Quy hoạch thứ 4 trong số 37 Quy hoạch chuyên chuyên ngành Quốc gia của các bộ, ngành được Chính phủ phê duyệt. Riêng trong ngành GTVT, 4 quy hoạch trong các lĩnh vực đường bộ, hàng hải, đường sắt, đường thủy trong 2 tháng qua.
“Bộ GTVT đã tập trung triển khai xây dựng 5 Quy hoạch, từ đó đánh giá tiềm năng, thế mạnh để điều chỉnh các lĩnh vực vận tải, hướng tới mục tiêu khai thác tối ưu tiềm năng, thế mạnh của từng lĩnh vực. Các Quy hoạch này là thành quả trong suốt 2 năm 2019 và 2020 của Bộ GTVT”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chia sẻ.
Đối với Quy hoạch Kết cấu hạ tầng ĐTNĐ này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, trong 5 năm tới, ngành GTVT phấn đấu từng bước cụ thể hóa 9 hành lang vận tải thủy. Đáng chú ý, tuyến hành lang vận tải thủy quan trọng nhất là tuyến hành lang ven biển. Bộ GTVT cũng sẽ ban hành các cơ chế, chính sách để phát triển tuyến ven biển một cách hiệu quả, đồng bộ và tối ưu nhất.
“Một con tàu thủy vận chuyển dọc bờ biển có sức chở bằng hàng trăm lượt ô tô tải. Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị các địa phương quan tâm phát triển ĐTNĐ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào ĐTNĐ, nhất là vận tải ven biển”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kêu gọi.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị các địa phương quan tâm phát triển ĐTNĐ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào ĐTNĐ, nhất là vận tải ven biển. |
Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ở khu vực phía Bắc, vận tải thủy chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, song, Bộ GTVT xác định có 4 tuyến luồng quan trọng nhất gồm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; Hà Nội – Việt Trì – Lào Cai; Quảng Ninh – Hải Phòng – Ninh Bình; Hà Nội – Nam Định – Ninh Bình. Bộ GTVT sẽ huy động nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng hệ thống cảng thủy nội địa kết nối với vận tải đường bộ nhằm đưa hàng hóa xuống đường thủy.
Trong khi đó, tại khu vực phía Nam, vận tải thủy sôi động hơn rất nhiều so với phía Bắc với 4 hành lang vận tải chính gồm: TP Hồ Chí Minh – An Giang – Kiên Giang; TP Hồ CHí Minh – Cần Thơ – Cà Mau; Bà Rịa – Vũng Tàu – Tây Ninh – TP Hồ Chí Minh và hành lang vận tải thủy kết nối với Campuchia qua sông Tiền, sông Hậu.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng về nguồn vốn đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhằm khơi thông các điểm nghẽn về hạ tầng, đồng thời tạo điều kiện cơ chế chính sách các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang báo cáo tại Hội nghị. |
Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm
Trước đó, báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết, quan điểm quy hoạch KCHT ĐTNĐ được xây dựng trên nguyên tắc quán triệt các chủ trương của Đảng trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; kế thừa quan điểm của quy hoạch trước đây, phù hợp tình hình thực tế, đặc thù và lợi thế của lĩnh vực, khắc phục các tồn tại hạn chế 10 năm vừa qua.
Kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa là một trong ba khâu đột phá chiến lược, cần được ưu tiên đầu tư tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng và từng bước đồng bộ, hiện đại, bảo đảm an toàn giao thông; phát huy lợi thế là phương thức vận tải hàng hóa khối lượng lớn, chi phí vận tải thấp ở cự ly trung bình; kết nối hiệu quả với các phương thức vận tải khác, với hạ tầng giao thông địa phương và quốc tế.
Phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo các hành lang vận tải và các tuyến vận tải thuỷ trên cơ sở khai thác tối đa điều kiện tự nhiên, kết hợp với đầu tư cải tạo nâng cấp có lộ trình hợp lý, góp phần giảm chi phí logistics, nâng cao lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhất là tại các vùng có tiềm năng, lợi thế như vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Vận tải thủy hiện đại, đồng bộ, an toàn, chất lượng dịch vụ cao
Công bố Quy hoạch tại Hội nghị, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Bùi Thiên Thu cho biết, mục tiêu quy hoạch Phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa đồng bộ, từng bước hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 với một số chỉ tiêu cụ thể.
Trong đó, về vận tải, khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt khoảng 715 triệu tấn; khối lượng vận chuyển hành khách đạt khoảng 397 triệu lượt khách; khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt khoảng 150 tỷ tấn.km; khối lượng luân chuyển hành khách đạt khoảng 7,7 tỷ khách.km.
Cục trưởng Cục ĐTNĐ Bùi Thiên Thu công bố Quy hoạch tại Hội nghị. |
Về kết cấu hạ tầng, cải tạo nâng cấp các tuyến chính có mật độ vận tải cao, đáp ứng chạy tàu 24/24 giờ; phấn đấu tổng chiều dài các tuyến khai thác đồng bộ theo cấp kỹ thuật đạt khoảng 5.000 km; phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách trên các hành lang vận tải thủy; từng bước hiện đại hóa các cảng chính, cảng chuyên dùng; kênh hóa các đoạn sông qua đô thị lớn và chuyển đổi công năng cảng thủy nội địa xếp dỡ hàng hóa phù hợp với quá trình đô thị hóa; hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.
Tầm nhìn đến năm 2050 sẽ hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa hiện đại, đồng bộ, an toàn, có chất lượng dịch vụ vận tải cao góp phần quan trọng vào giảm chi phí logistics và là một trong những phương thức vận tải chiếm thị phần vận tải hàng hóa lớn.
Nguồn: tapchigiaothong.vn